Công nghệ

Kỹ thuật trồng và chăm sóc thuốc lá vàng sấy

18.04.2018 Đăng bởi: admin

Nguyễn Ngọc Sơn

Cây thuốc lá vàng sấy không khó trồng, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu khu vực Nam trung bộ và cao nguyên trung bộ, giá trị kinh tế cao, được bao tiêu ổn định. Vì vậy nên đưa cây thuốc lá vàng sấy vào cơ cấu cây trồng để người nông dân có thêm sự lựa chọn cho sự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Thực hiện chủ trương của Tổng công ty Khánh Việt, Công ty thuốc lá nguyên liệu Khatoco triển khai đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm ở nhiều khu vực thuộc các tỉnh Khánh hoà, Phú yên, Gia lai, Đaklak, Lâm Đồng…

1. Chọn đất và làm đất trồng:

– Chọn đất: Cây thuốc lá phù hợp với đất thịt nhẹ, thịt trung bình, cát pha, đất bãi bồi. Đất không chua, nhiễm mặn, phèn. Không chọn đất bị ngập, úng. Để có năng suất cao  và giảm chi phí đầu tư chọn đất gần nguồn nước tưới, gần lò sấy.

– Làm đất: Đất tơi, xốp, sạch cỏ và lên luống trước khi trồng là điều kiện rất quan trọng để cây thuốc lá phát triển tốt, giảm nhẹ công lao động khi xới xáo, bón phân và tưới tiêu nước. Đất cày 2 lần vuông góc nhau, mỗi lần cách nhau ít nhất 10 ngày cho ải đất, chết cỏ. Lần 3 cày lên luống, đỉnh luống này cách đỉnh luống kia 0,8 – 1,0 m, mương luống rộng 0,2 -0,3 m. Nên cày bằng máy cày đại để đất cày được sâu (20-30cm) và lên luống được to. Khi cày lên luống nên tính trước mương tưới, mương tiêu. Sửa vét lại luống và nhặt sạch cỏ trước khi trồng.

2. Trồng:

– Nếu trời mưa nhẹ, đất đủ ẩm trồng thẳng giữa sườn luống.

– Nếu đất khô, dẫn nước vào rãnh cho ngập khoảng 1/3 – 1/2 luống, trồng ngay mép nước.

– Mật độ trồng: Đất tốt trồng thưa (22.000- 25.000 cây/ha) khoảng cách trồng 0,5 m cây, đất xấu trồng dầy (27.000-30.000 cây/ha) khoảng cách trồng 0,4 m cây, hàng cách hàng 0,8m.

– Cách trồng: Cây giống nhổ lên phải ngắt bỏ các lá vàng, lá nhiễm bệnh để nơi mát và trồng xong trong ngày. Trồng bằng cách cuốc lổ, dùng cây chọc lổ hoặc cấy bằng tay. Trồng sâu 4-5cm, dùng tay bóp nhẹ.

– Sau 5-7 ngày trồng dặm những cây chết.

3. Làm cỏ, bón phân, vun gốc:

– Bón phân: Lượng phân cần bón trung bình cho 1ha : Nitrat amôn 200kg + Kaly sulfat 400 kg + lân 400kg Chia làm 2-3 lần bón tuỳ thuộc tính chất đất, chất lượng làm đất ( có hướng dẫn của cán bộ kỷ thuật).

– Làm cỏ, vun gốc: Từ 2-3 lần kết hợp với bón phân, lần 1 xới nhẹ, vun thấp, lần 2,3 xới mạnh vun càng cao càng tốt nhưng không lấp lá. Để đất khô 2-3 ngày cho cỏ chết trước khi tưới nước.

– Thời gian làm cỏ, bón phân, vun gốc: Nếu bón 2 lần:

+ Lần 1: 10 – 15 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly + 100% lân. Bón cách gốc 5cm

+ Lần 2: 30 – 35 ngày sau trồng, 75% đạm + 75% kaly. Bón cách gốc 15cm.

Nếu bón 3 lần:

+ Lần 1: 10 – 15 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly + 100% lân. Bón cách gốc 5cm

+ Lần 2: 20 – 25 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly. Bón cách gốc 10cm.

+ Lần 3: 30 – 35 ngày sau trồng, 50% đạm + 50% kaly. Bón cách gốc 20cm.

Chú ýChỉ trộn lẫn các loại phân nói trên ngay trước khi bón, lấp đất sâu 5- 10cm.

4. Tưới và tiêu nước:

Không thể có năng suất cao, chất lượng tốt nếu cây thuốc lá bị thiếu nước hoặc dư nước (ngập úng 1 – 2 ngày cây héo rủ, chết). Số lần tưới và lượng nước tưới tuỳ thuộc độ ẩm đất và thời tiết. Kể từ sau trồng đến 10 ngày ẩm độ đất thích hợp 80 – 90%, từ 10 – 40 ngày ẩm độ đất 60 – 65% (giữ cho hơi thiếu ẩm để tạo hệ thống rể phát triển và xuống sâu), từ 40 – 60 ngày là thời gian thân lá phát triển mạnh cần nhiều nước độ ẩm đất thích hợp 80 – 85%, từ sau 60 ngày giữ ẩm độ đất từ 65 – 70%. Sau mỗi lần bón phân, bẻ thuốc nếu đất khô phải tưới nước ngay.

Khi tưới nước theo rãnh chỉ để nước ngập từ ½ đến ¾ luống, không để nước tràn lên mặt luống.

Vụ Đông xuân thường nhẹ tưới nước nhưng dễ ngập úng, khắc phục bằng cách lên luống cao, làm mương tiêu trước khi trồng, khi mưa to phải có mặt ngay tại ruộng thuốc lá để khơi mương rãnh, chống úng.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

– Khi sâu bệnh xuất hiện cây đã bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, việc xử lý càng tốn kém và ít hiệu quả khi cây càng lớn.Vì vậy việc phun thuốc đúng lúc là biện pháp hữu hiệu, kinh tế, an toàn nhất để phòng trừ sâu bệnh.

– Sâu: Các loại sâu hay cắn phá gây hại cho cây thuốc là sâu xanh, sâu khoanh, sâu chùm, bọ trĩ, rệp, rầy mền… Để xử dụng thuốc hoá học có hiệu quả cần nhất là phải phát hiện sớm, phun thuốc khi sâu rầy tuổi còn non.

– Bệnh: Các loại bệnh thường hay gặp và gây ảnh hưởng lớn là: Lở cổ rễ, Thối đen rễ, Đốm mắt cua, Đốm nâu…Triệu chứng bệnh thường khi tiềm ẩn trong cây mắt thường không phát hiện được, khi biểu hiện ra thì đã nặng gây hậu quả không khắc phục được.  

Việc phun thuốc định kỳ phòng trừ bệnh rất tốt, và có tác dụng phòng trừ sâu, rầy. Việc kết hợp giữa thuốc sâu + bệnh nhằm giảm bớt công lao động. Chú ý chỉ phối hợp thuốc với những loại thuốc có thể kết hợp (theo hướng dẫn được ghi ở nhãn thuốc hoặc của cán bộ kỹ thuật )

LỊCH PHUN THUỐC CHO RUỘNG THUỐC LÁ

Lần phun Ngày sau trồng Đối tượng phòng trừ Hỗn hợp và nồng độ

( Dùng cho bình 16 lít )

Lượng thuốc

cần/bình16lít

(cho 1000 m)

Lần1 10 Sâu, bệnh 30ml Carbosan +16 gr Norshield 1
Lần2 25 Sâu bệnh 20ml Brightin + 40gr ToMet 2
Lần3 40 Sâu, bệnh 20ml Permecide + 16gr Norshield 2
Lần4 60 Sâu, bệnh 20ml Secure + 40gr ToMet 3

Khi phát hiện có sâu rầy cần xác định đúng thời điểm cần phun thuốc, bảng dưới đây xác định ngưỡng xử lý thích hợp nhất :

CÔN TRÙNG NGƯỠNG XỬ LÝ
Sâu xanh Xử lý khi 10% cây điều tra có sâu non ký sinh.
Sâu xám Xử lý khi 5% cây điều tra bị sâu cắn phá.
Bọ cánh cứng Khi cây nhỏ: Xử lý lúc có 10% số cây điều tra có chồi ngọn bị cắn phá.

Khi xử lý khi cây có hiện tượng rách hoặc tưa lá.

Sâu sừng Xử lý khi 10% số cây điều tra có sâu non. Không kể số sâu đã kéo kén hay số xác kén còn vương trên lá. Trường hợp tính sâu đã kéo kén thì tính 5 kén = 1 sâu.
Rệp muội Xử lý khi 10% số cây điều tra có ít nhất 50 con trên mỗi lá.

* Cách pha hỗn hợp thuốc như sau: Cho 1/3 nước hoà tan thuốc bột trước, rồi cho thuốc nước vào khuấy đều, sau đó cho số nước còn lại vào.

* Việc phun thuốc chỉ có hiệu quả cao nếu phun thuốc đúng nồng độ, đúng liều lượng và khi sâu, rầy còn non. Vì vậy cần thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sâu, rầy sớm và  phun thuốc ngay khi tới ngưỡng xử lý. Xử dụng thuốc khi sâu, rầy đã trưởng thành, già tuổi hiệu quả rất kém và ruộng thuốc lá đã bị phá hoại.

* Tuỳ thuộc tình hình thực tế các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có thể thay đổi chủng loại.

* Sản phẩm thuốc lá được con người xử dụng trực tiếp vì vậy để an toàn cho bản thân và người tiêu thụ bà con nông dân chỉ nên xử dụng những loại thuốc được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tuyệt đối không xử dụng tuỳ tiện. Chúng tôi không chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm nếu phát hiện có những hoá chất độc hại tồn dư vượt quá giới hạn cho phép trong lá thuốc.  

6. Đánh nhánh, ngắt ngọn:

Biện pháp này làm tăng 20% năng suất so với ruộng không đánh nhánh ngắt ngọn, chi phí thực hiện rẽ (chỉ bằng khoảng 10% hiệu quả đem lại), dễ thực hiện. Ngắt ngọn ngay khi cây vừa chớm nhú đỉnh ra hoa, ngắt xong nhỏ thuốc diệt chồi thuốc lá Accotab 330EC nồng độ 1% lên đỉnh vừa ngắt (dùng 2 lít Accotab 330 EC pha với 200 lít nước cho vào chai nhựa (chai nước khoáng, chai xà phòng… trên nắp gắn một van ruột xe đạp làm vòi chảy) nhỏ cho 1 ha. Nhỏ từ đỉnh ngọn vừa ngắt cho nước thuốc Accotab chảy ngấm xuống khoảng hơn ½  cây. )

7. Thu hoạch:

Sau trồng 60 ngày có thể bắt đầu thu hoạch, mỗi lần bẻ 3 – 4 lá, mỗi vụ bẻ 5 – 6 lần. Bẻ lá đúng độ chín thuốc sấy mới vàng đẹp, hái non hoặc để quá chín sấy sẽ ra màu xanh hoặc đen không bán được. Lá vừa chín có màu xanh trắng, rìa mép lá hơi ửng vàng, gân lá chuyển qua màu trắng, lá hơi rủ xuống.

Phương pháp bẻ: Người bẻ thuốc đi giữa luống hai tay bẻ hai hàng, mỗi hàng bẻ một bên, mỗi cây bẻ 1 – 2 lá; nắm vừa đủ nắm mỗi tay thì xếp dọc hai bên luống, cuống lá quay xuống giữa mương. Bẻ hết luống quay lại ôm có thứ tự dồn vào đầu chỗ mát chờ chuyển đi. Khi vận chuyển dùng dây mền, tấm bạt, bao tải… bó thành từng bó vừa đủ ôm, phải đảm bảo lá thuốc được xếp thứ tự đầu đuôi, xếp từng lớp một, lá thuốc không bị gẫy, dập, kéo lê, phơi nắng.