Công nghệ

Kỹ thuật trồng burley

18.04.2018 Đăng bởi: admin

Th.s. Dương văn Hoài

I. Thời vụ trồng:

Căn cứ trên điều kiện khí hậu, đất đai, chế độ cây trồng và tập quán của từng địa phương mà thời vụ gieo trồng khác nhau.

Bảng bố trí thời vụ trồng thuốc lá Burley

Vụ Gieo Trồng Thu hoạch Đặc điểm vùng trồng
Đông xuân

Chính vụ

15/10- 30/11 1/12 – 15/1 1/2 – 15/5 Đất bằng phẳng

Có nguồn nước tưới chủ động

Hè thu 1/3 – 15/4 15/4 – 30/5 14/6 – 30/7 Đất cao ráo, thoát nước tốt.

Có nguồn nước tưới chủ yếu là mưa. Có nước tưới bổ sung càng tốt.

Vùng Tây nguyên nên bố trí trồng vụ mưa (hè thu) là chính.

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Chọn đất trồng: đất trồng thuốc lá burley phải đạt các chỉ tiêu sau:

– Đất để trồng thuốc lá burley đòi hỏi phải có độ phì cao, màu mỡ, thoát nước tốt, pH> 5.

– Đất phải cao ráo, thoát nước tốt, không ngập úng khi mưa lớn, độ dày tầng canh tác > 25cm.

– Đất vụ trước không trồng cây họ cà, ớt, khoai tây và một số cây trồng là ký chủ của các loại sâu bệnh chủ yếu trong vùng.

– Đất xung quanh phải thoáng, đầy đủ ánh sáng, các nguồn nước tưới đầy đủ và sạch.

2. Chuẩn bị đất trồng:

2.1 Cày-bừa:

– Cày lần 1 (sâu 20-25cm) kết hợp với bón vôi cải tạo đất từ 600-1.000 kg/ha trước khi trồng khoảng 20 ngày

– Cày lần 2 (sâu 20-25cm) trước khi trồng 1 tuần, hướng cày vuông góc với lần 1, sau đó bừa lại và san phẳng ruộng.

2.2 Thiết kế ruộng:

Thuốc lá burley trồng chủ yếu trong vụ mưa vì vậy:

–    Dùng trâu bò rạch hàng theo đường đồng mức, tạo thành rãnh sâu 18 – 20cm, với khoảng cách 1,0 – 1,1m; phân lô ngắn 4 -5 m tùy theo độ dốc mặt ruộng.

–   Thiết kế mương tưới tiêu chính theo nguyên tắc: mương tưới phía cao và mương tiêu ở phía thấp và chung quanh ruộng với độ sâu 30-40cm, rộng 50cm, đảm bảo yêu cầu tưới đủ lượng nước và tiêu hết nước khi cần thiết.

3. Cách trồng và dặm cây

–    Nếu trồng vụ Hè thu ta nên trồng bằng bầu, nhằm tránh bị ảnh hưởng do thời tiết gây hư hại. Cuốc lỗ trước khi trồng 1 – 2 ngày, lỗ cách lỗ 50 -55cm, nên cuốc vào giữa luống cao nhằm tránh mưa gây úng.

–   Chuẩn bị cây (bầu) để trồng: tưới đẫm trước khi trồng 1-2 ngày, loại bỏ cây có biểu hiện bệnh

–    Cách trồng: Cây khỏe, đều trồng trước, cây nhỏ trồng sau. Trồng đến đâu rãi cây đến đó nếu đất khô cho nước vào hố trước từ 2 – 3 lít nước và đợi khi ráo nước trồng cây. Lấy đất ướt ém nhẹ vào bầu cây xong lấy đất khô phủ mặt để giữ ẩm.

–    Mật độ: 18.000-20.000 cây/ha.

–   Dặm cây: sau khi trồng 3-5 ngày, xem xét những cây có dấu hiệu bệnh hoặc không phục hồi hoặc chết thì loại bỏ dặm lại.

4. Bón phân:

Lượng phân bón thường dùng: 300kg NH4NO3, 500kg SUPPER LÂN, 400kg K2SO4, vì trồng vụ mưa tốt nhất nên chia 3 lần bón.

Cách bón:

–         Lần 1: sau trồng 5 – 7 ngày, 30% N + 100% P2O + 30% K2O. Cuốc 2 lổ cách cây 10-12cm về phía rãnh, sâu 10cm, bón xong lấp đất lại.

–         lần 2: sau trồng 20-25 ngày, 40%N + 30% K2O. Cuốc 2 lổ 2 bên cây theo hàng, cách cây 15-20cm (ngay đuôi lá), sâu 10cm, bón xong lấp đất lại.

–         lần 3: sau trồng 30-35, 30%N + 40% K2O. Kết hợp với cày xả – vun luống định hình, hoặc cuốc xả luống dọc theo 2 bên cây theo rãnh, cách cây 20 – 25 cm, bón phân rãi theo 2 bên đường xả.

5. Chăm sóc :

Xới xáo – làm cỏ – vun luống:

–         Các thao tác này phải kết hợp nhau và thực hiện trong các lần bón phân, và lần làm cỏ bỏ phân cuối cùng phải vun luống thật cao nhằm giúp hệ thống rễ phát triển, giúp cây đứng vững khi mưa to gió lớn, không bị úng. Ngoài ra khi mưa to cần xới xáo phá váng đất.

–         Lần 1: sau khi trồng 5 – 7 ngày, kết hợp bón phân lần 1, dùng cuốc vun gốc nhẹ, vét rãnh và vun luống cao để chạy nước hoặc thoát nước dễ dàng.

–         Lần 2: sau khi trồng 20 – 25 ngày, kết hợp bón phân đợt 2, làm cỏ xung quanh, xới mạnh kết hợp vun gốc.

–         Lần 3 : dùng cuốc hay trâu bò cày xả 2 bên hàng, vun luống cao 30 – 40 cm, định hình luống làm sao thể tích nổi cao của luống bằng phần lõm của rãnh.

Tưới nước :

–     Vì thời vụ trồng thuốc lá burley chủ yếu trồng vụ mưa nên lượng nước nhờ mưa. Nếu trồng vụ đông xuân cần tưới nước như thuốc lá vàng. Chú ý đến giai đoạn cây sinh trưởng mạnh ( 35 – 60 ngày) không nên để thiếu nước.

6. Ngắt ngọn, bấm chồi: mục đích bấm ngọn ngắt chồi là nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi lá tạo điều kiện cho lương nicotin và năng suất cao.

Ngắt ngọn tùy theo mức độ sinh trưởng của cây, khi cây có nụ > 50% ( toàn đám) tiến hành ngắt ngọn chừa lá còn lại > 20cm, sử dụng thuốc diệt chồi ngay. Biện pháp này sẽ làm tăng 20% năng suất so với ruộng không đánh nhánh ngắt ngọn, chi phí thực hiện rẻ (chỉ bằng khoảng 10% hiệu quả đem lại), dễ thực hiện.

Ngắt ngọn xong, nhỏ thuốc diệt chồi thuốc lá Accotab 330EC nồng độ 1% lên đỉnh vừa ngắt (dùng 2lít Accotab 330 EC pha với 200lít nước cho vào chai nhựa (chai nước khoáng, chai xà phòng… trên nắp gắn một van ruột xe đạp làm vòi chảy thuốc). Nhỏ thuốc từ 3 lá trên đỉnh ngọn cho nước thuốc chảy ngấm xuống khoảng ½  cây.

7. Phòng trừ sâu bệnh hại: Nên áp dụng chương trình IPM 1 cách nghiêm ngặt, tránh lượng thuốc tồn dư trên lá thuốc.

–              Sâu: Các loại sâu hay cắn phá gây hại cho cây thuốc là sâu xanh, sâu khoanh, sâu chùm, bọ trĩ, rệp, rầy mền… Để xử dụng thuốc hoá học có hiệu quả cần nhất là phải phát hiện sớm, phun thuốc khi sâu rầy tuổi còn non.

–        Bệnh: Các loại bệnh thường hay gặp và gây ảnh hưởng lớn là: lở cổ rễ, thối đen rễ, đốm mắt cua, đốm nâu…Triệu chứng bệnh thường khi tiềm ẩn trong cây mắt thường không phát hiện được, khi biểu hiện ra thì đã nặng gây hậu quả không khắc phục được.

LỊCH PHUN THUỐC CHO RUỘNG THUỐC LÁ

Lần phun Ngày sau trồng Đối tượng phòng trừ Hỗn hợp và nồng độ

(Dùng cho bình 16 lít)

Lượng thuốc       cần/bình16lít

(cho 1.000m2)

Lần 1 10 Sâu, bệnh 30ml Carbosan + 16 gr Norshield 1
Lần 2 25 Sâu bệnh 20ml Brightin + 40gr ToMet 2
Lần 3 40 Sâu, bệnh 20ml Permecide + 16gr Norshield 2
Lần 4 60 Sâu, bệnh 20ml Secure + 40gr ToMet 3

* Cách pha hỗn hợp thuốc như sau: Cho 1/3 nước hoà tan thuốc bột trước, rồi cho thuốc nước vào khuấy đều, sau đó cho số nước còn lại vào.

* Việc phun thuốc chỉ có hiệu quả cao nếu phun thuốc đúng nồng độ, đúng liều lượng và khi sâu, rầy còn non. Vì vậy cần thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sâu, rầy sớm để kịp phun thuốc ngay. Sử dụng thuốc khi sâu, rầy đã già hiệu quả sẽ rất kém và ruộng thuốc lá sẽ bị phá hoại.

* Tuỳ thuộc tình hình thực tế các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có thể thay đổi chủng loại thuốc.

* Sản phẩm thuốc lá được con người xử dụng trực tiếp vì vậy để an toàn cho bản thân và người tiêu dùng bà con nông dân chỉ nên xử dụng những loại thuốc được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tuyệt đối không xử dụng tuỳ tiện. Chúng tôi không chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm nếu phát hiện có những hoá chất độc hại tồn dư vượt quá giới hạn cho phép trong lá thuốc. 

III. Thu hoạch và phơi sấy

1. Đúng độ chín:

–   Lá hái đúng độ chín khi phơi mới đạt chất lượng cao. Lá bắt đầu chín từ dưới chân lên ngọn vì vậy phải hái theo định kỳ.

–    Lá đúng độ chín là lá ngã màu vàng nhạt, lá ngã so với thân góc 90o

–  Cuộng lá có màu trắng sữa, mặt lá bóng mịn, lông rụng.

2. Hái lá:

–    Thường 8 tuần sau khi trồng có thể hái. Mỗi lần hái từ 2-4 lá

–    Hái lá bắt đầu từ 7 -8 giờ sáng, khi lá đã khô. Không hái lá lúc trời mưa.

–    Lá hái xong không để trên đất hoặc ngoài nắng.

–    Các lá có hiện tượng thối nhẹ ở cuống lá hay cuống giữa, phải để riêng và treo phơi riêng.

–    Lá hái xong phải ghim phơi trong ngày, không chất đống qua đêm.

3. Phơi thuốc:

3.1 Treo phơi lá:

– Ghim tre dài 50cm hay 1,2m vót nhọn 1 đầu để ghim thuốc, lá cách lá vừa sát nhau không quá chặt. Ghim lá mặt úp mặt, lưng úp lưng.

– Sau khi ghim xong phơi ngoài trời nắng với khoảng cách 2 ghim từ 15-17cm. với những lá có dấu hiệu thối nhẹ ở cuống thì trở ngược đầu lại xỏ ghim qua đầu lá, vì các điểm thối có xu hướng đi xuống theo cuống lá.

– Giàn phơi nên làm trên đất trống, thoáng, theo hướng gió, có phủ bạt khi nào lá chuyển màu, khô hết phiến lá, còn cuống lá chưa khô 2/3 ta gỡ bạt ra để nắng trực tiếp cho mau khô cuống, lưu ý bạt vẫn giữ nguyên trên giàn khi mưa, sương nhiều có thể che chắn được.

3.2 Quá trình lá khô:

–    Lá xanh chuyển sang màu vàng và sau đó là màu nâu khô phiến lá, sau cùng cuống lá khô.

–    Nếu quá trình khô quá chậm(do xếp lá quá dày) thì lá thành màu đen và thối sẽ xảy ra.

–    Nếu khô nhanh quá thì lá có màu vàng mốc.

–    Tùy thời tiết khí hậu mà thời gian phơi từ 25-30 ngày.

* Khung phơi : có thể dùng vật liệu có sẵn tại địa phương như: tre, lồ ồ…

* Trông qua trình phơi chú ý che phủ bạt cho kỹ khi trời mưa, sương nhiều tránh tình trạng thuốc biến thành màu đen.

* Khi thuốc khô cọng lấy khỏi giàn phơi đem chất đống vào kho, tủ kỹ, tiến hành phân loại.

Các chỉ tiêu hóa lý thuốc burley

Mẫu nguyên liệu THÀNH PHẦN HOÁ HỌC% BÌNH HÚT CẢM     QUAN
Nicotine Đạm tổng Đường

khử

Clo Hương vị Độ

nặng

Tổng

điểm

Burley Phú yên 3,0 3,7 0,6 1,9 9,1 9,7 7,0 25,8
Burley Đồng Nai 1,32 5,13 0,57 0,35 8,0 9,0 3,0 20
Burley Đà Nẵng 2,3 2,0 0,8
Burley Lâm Đồng 0,92 4,43 0,85 0,35 9,0 9,0 2,0 20

Nguồn: Nguyễn Ngọc Sơn